Mình thấy có rất ít bài chia sẻ về kinh nghiệm viết blog, nên hôm nay mình quyết định viết một bài về điều này.
Mình theo đuổi con đường kiếm tiền online (Make Money Online) được gần 2 năm. Có nhiều cái được cũng có nhiều cái mất, và hiện tại mình cũng đang xây dựng blog này.
Mình cũng không hy vọng bạn làm theo giống mình. Vì mỗi người chỉ có thể học được những gì do chính họ trải qua.
Nhưng dù sao thì bạn cũng nên tham khảo nhé!
1. Chủ đề của blog
Chủ đề của blog rất quan trọng vì nó quyết định thành bại khi viết blog kiếm tiền. Nếu bạn viết blog không phải để kiếm tiền mà chỉ là cho vui thì không quan trọng.
Nếu bạn chọn một chủ đề quá phổ biến và đang có rất nhiều blog/website lớn viết thì bạn sẽ khó cạnh trạnh. Viết mãi mà không lên top tìm kiếm được.
Nếu bạn chọn chủ đề không thể mang lại tiền bạc thì bạn sẽ rất dễ nản lòng. Nói vậy thôi, chứ theo kinh nghiệm viết blog của mình thì chủ đề nào cũng có thể kiếm tiền. Chỉ là nhiều hay ít mà thôi.
Quan trọng nhất vẫn là làm sao để lên top tìm kiếm với những từ khóa “hot”. Những từ khóa đó phải liên quan mật thiết tới chủ đề blog của bạn.
Tuy nhiên, không phải chủ đề nào bạn tìm được cũng có thể viết blog được. Vì sao ư? Bạn không thích thì bạn sẽ không thể làm lâu dài được. Mà viết blog kiếm tiền là một con đường dài.
Nếu bạn không yêu thích về chủ đề blog dự định viết, thì bạn chỉ có thể cố được 3 tháng. Rất nhiều blog “chết yểu” ngoài kia cũng vậy.
Do vậy, bạn cần phải cân đo đong đếm giữa chủ đề bạn thích và tiềm năng của chủ đề đó. Đôi khi viết cái bạn yêu thích còn quan trọng hơn.
Nếu bạn thật sự yêu thích, bạn có thể đánh bại mọi đối thủ, cho dù họ có mạnh như thế nào !? 🙂 (đây là suy nghĩ của mình thôi)
2. Kết Nối với Google Webmaster (Console)
Lúc mới làm blog, mình không biết đến khái niệm này. Đây là điêu đầu tiên bạn cần phải làm sau khi có blog.
Bạn cần phải cho các công cụ tìm kiếm biết đến sự hiện diện của bạn (quan trọng nhất là Google). Nếu bạn không khai báo cho Google biết thì người ta sẽ không thể tìm thấy bạn.
Bạn cũng nên khai báo các công cụ tìm kiếm khác như Bing, Baidu, Yandex, vân vân.
May mắn là bạn đã có plugin yoast SEO giúp. Mọi việc đơn giản hơn rất nhiều.
Bạn hãy xem thêm bài viết sau để biết cách kết nối với Google console:
3. Cần phải học SEO
SEO là cách thức để đưa từ khóa của blog lên top Google.
Lúc mới bắt đầu, mình không thật sự quan tâm đến SEO. Mình chỉ tập trung cho việc viết bài và đăng lên.
Kết quả là không ai đọc blog của mình trong suốt 2 tháng trời. Điều này làm mình nản vô cùng.
May mắn sao, sau 2 tháng, thì có người vào đọc bài viết. Có thời điểm thu hút hơn 1000 lượt xem mỗi ngày. Wow 🙂
Nhưng tất cả chỉ là may mắn thôi. Chuyện là mình có viết một vài bài về chủ đề đó trước đó 1 tháng. Đúng thời điểm chủ đề đó “hot” trên mạng. Vậy là có rất nhiều người vào xem.
Thật sự mình chẳng hề nghiên cứu gì cả. Viết đại thôi!
Và cũng cái lối viết đại, mình bắt đầu với những blog tiếp theo. Lần này thì khó hơn muôn phần, không còn may mắn như lúc đầu. Không ma nào vào đọc hết.
Một thời gian sau, mình nản và mình cũng không yêu thích, thế là mình bỏ hết blog này đến blog khác.
Cách đây hơn 1 năm, mình đã bắt đầu với blog Ngô Lộc này. Lúc đầu thì mình cũng viết mà không nghiên cứu gì về SEO hết. Viết mãi mà chẳng ai xem!
Sau vài tháng thì mình thấy được sai lầm. Đó là không nghiên cứu SEO! Mình bắt đầu nghiên cứu và viết những bài có những từ khóa SEO. Vậy là từ đó bắt đầu có người đọc, nhưng cũng chưa nhiều lắm!
Kinh nghiệm là bạn viết bài có từ khóa SEO dài trước vì nó ít cạnh tranh. Sau đó mới đánh những từ khóa SEO ngắn.
Do vậy, bạn nhất định phải học SEO và viết bài theo từ khóa SEO ngay từ đầu. Hãy tin mình đi, điều này không sai đâu!
Những kiến thức miễn phí trên mạng thường không có tính hệ thống. Mình cũng phải đi học.
4. Tích cực chia sẻ bài viết
Google ngày nay rất khoai! Có hàng chục ngàn trang web được tạo ra mỗi ngày. Làm sao để bạn lên nhanh đây! Câu trả lời là do người đọc!
SEO là điều cần thiết nhất nhưng phải chờ lâu!
Để thu hút được người đọc nhanh, bạn cần phải “Share – Chia sẻ” lên các mạng xã hội như facebook, zalo, twitter hay instagram.
Nếu người đọc có phản hồi tốt, Google sẽ nâng xếp hạng bài viết của bạn nhanh hơn. Tức là nó tùy vào phản ứng của người đọc mà xếp hạng bài viết.
Nếu bạn có thể xây dựng được một cộng đồng cho riêng mình thì bạn đã có lợi thế rồi đấy.
Bài viết mới của một số website hoặc blog lớn lên hạng nhanh trên Google cũng vì lý do này. Sau khi viết xong thì họ thu hút người vào đọc thông qua rất nhiều kênh từ facebook tới email, và cả youtube nữa.
Đây có thể nói là kinh nghiệm viết blog tâm đắc mà mình rút ra được.
5. Kinh nghiệm về kỹ thuật viết blog
Có một số kinh nghiệm viết blog hay mà mình đã rút ra được trong gần 2 năm qua. Có thể là đúng, cũng có thể là sai, bạn cũng nên tham khảo nhé.
5.1 Viết bài càng dài càng tốt
Dài ở đây có 2 ý nghĩa. Một là viết nhiều chữ, viết nhiều chữ thì sẽ dài. Hai là kéo cho bài viết dài ra. Tốt nhất là kết hợp cả hai.
Vì sao mình nói tới điều này? Vì mình thấy tất cả những bài viết dài có xếp hạng cao hơn những bài viết ngắn. Đặc biệt là những từ khóa cạnh tranh, bài viết top đầu thường rất dài.
Tuy nhiên, không phải dài là ngon đâu, dài nhưng nội dung phải chất thì mới ngon.
Viết dài nhiều chữ là khoảng bao nhiêu? Theo kinh nghiệm viết blog của mình thì phải từ 1500 từ trở lên. Từ khóa càng cạnh tranh thì phải viết càng dài, phải viết từ 3000 đến 5000 ngàn từ mới được.
Còn một kỹ thuật nữa đó là kéo dài bài viết. Nghe điều này có vẻ hơi lạ, nhưng nó có nguyên nhân của nó. Khi bạn kéo dài bài viết thì người đọc sẽ ở lại bài viết lâu hơn.
Mình thấy nhiều bài viết top đầu họ đều kéo dài bằng những thông báo, hình ảnh. Có nơi còn làm font chữ to. :).
Còn mình thường hay dùng cách viết đoạn ngắn. Mỗi đoạn từ 2 đến 3 dòng thôi. Đây là cách viết được nhiều blogger nổi tiếng dùng.
5.2 Cập nhật bài viết
Trước đây, mình không bao giờ cập nhật bài viết. Và đây là một sai lầm mà mình mắc phải.
Bạn nhất thiết phải cập nhật bài viết. Khi bạn làm vậy thì Google sẽ đánh giá cao hơn. Nếu không cập nhật thì bài viết của bạn sẽ càng ngày càng tụt hạng Google.
Rất nhiều blogger nổi tiếng đã khuyên nên làm điều này!
Khi bạn cập nhật bài viết là cơ hội để bạn viết thêm cho bài viết dài hơn và chất hơn. Thường thì những bài viết dài là những bài viết chất.
Quá trình cập nhật này có thể làm hàng năm. Do đó, những blog thành công trên thế giới có tuổi đời khá lâu. Nếu bạn muốn thành công với blog thì cũng không thể làm nhanh được.
Lưu ý quan trọng: cập nhật bài viết không cập nhật URL bài viết. URL của bài viết đã được Google Index, nếu bạn sửa thì coi như làm lại từ đầu, rất là uổng phí.
Bây giờ, mình sẽ tiếp tục với việc đặt URL!
5.3 Đặt URL như thế nào?
Mình đã rất sai trong việc đặt URL cho bài viết. Mình cứ để đường dẫn mặc định theo tên bài viết.
Đường dẫn để như vậy vừa dài, vừa không tốt cho SEO. Có nhiều bài viết cập nhật lại thì khác vơi đường dẫn.
Do vậy, phải đặt tên như thế nào mà sau này cập nhật không bị chênh.
Ví dụ:
- Bài viết “5 cách viết bài chuẩn SEO cho người mới”, đặt URL là “5-cach-viet-bai-chuan-seo”
- Sau này cập nhật lại là “10 cách viết bài chuẩn SEO cho người mới” thì URL nó không khớp.
- Do vậy, trong trường hợp này chỉ nên đặt URL là “cach-viet-bai-chuan-seo”
Bạn hãy suy nghĩ cách đặt URL cho theo từ khóa là tốt nhất.
5.4 Hình ảnh
Hình ảnh thật sự rất quan trọng, bài viết nên có vài hình ảnh. Nếu bạn biết làm Photoshop thì sẽ đẹp hơn. Mình hay dùng Canva để làm thumbnail cho bài viết.
Kinh nghiệm của mình về hình ảnh là không được copy của người khác trên Google. Google sẽ phát hiện bạn sao chép hình ảnh đó.
Chỉ vậy thôi!
Tóm lại
Trên đây là những kinh nghiệm viết blog của mình trong suốt thời gian qua.
Một số điều mình viết có thể đúng, cũng có thể chưa đúng, nhưng đó là những gì mình đang áp dụng. Kinh nghiệm ít ỏi của mình không thể bằng các blogger “pro” được.
Hy vọng nó sẽ giúp ích được cho bạn.
Chúc bạn thành công!